Trước đây tôi sống cùng con gái ở căn hộ riêng và có nuôi 1 con chó nhỏ giống poodle rất đáng yêu. Con gái tôi đặt tên nó là Siro. Sau này, do tình hình sức khỏe của mẹ tôi không tốt nên tôi quyết định về lại nhà chung sống với bố mẹ để tiện chăm hỏi, phụ giúp khi cần. Tuy nhiên, mỗi lần đặt vấn đề đến việc mang con Siro về nhà là bố tôi gạt phắt. Thôi thì đành ngậm ngùi đem gửi Siro cho cậu bạn cùng công ty nuôi hộ. Có dịp thì 2 cha con phi lên thăm nó cho đỡ nhớ.
Những ngày chống dịch kéo dài, tôi có dịp ở nhà ăn trưa cùng bố mẹ tôi nhiều hơn. Có lần tò mò tôi hỏi “Việc nuôi chó trong nhà là bố sợ bẩn không ai dọn dẹp hay còn lý do nào khác?”. Ôi! Cũng nhờ sự quan tâm của cậu con trai và cũng có chút thời gian . Bố tôi bắt đầu kể cho tôi 1 câu chuyên đã xảy ra cách đây rất nhiều năm khiến tôi thực sự rất bất ngờ.
Chuyện xảy khi khi bố tôi mới chỉ mới 10 tuổi. Thời đó là vào năm 1946 khi Pháp chuẩn bị kéo quân vào tái chiếm lại Hà Nội. Trước tinh hình rối ren phức tạp, nhiều gia đình Hà Nội phải đi sơ tán về những miền quê lánh nạn. Chỉ có lực lượng vũ trang là cố thủ ở thủ đô sẵn sàng cho cuộc chiến tranh chống Pháp.
Bố tôi là con thứ 5 trong một gia đình có đến 10 anh em. Ông Nội tôi là người Hà Nội chính gốc nhưng bà Nội lại là người quê gốc Hưng Yên. Ở nhà có nuôi 1 con chó tây khá lớn và thông minh, bố tôi còn nhớ tên nó là Tô Pi. Nhà mặc dù anh em đông nhưng bố tôi là người thường xuyên chơi đùa và chăm sóc cho Tô Pi nhiều nhất. Ngày đi sơ tán, cả nhà chất hành lý lên 1 chiếc xe bò rồi đánh xe về Hưng Yên. Con chó Tô Pi được bố tôi ôm và ngồi trên chiếc xe bò đi suốt hành trình ấy.
Theo lời bố tôi kể, Tô Pi rất thông minh. Nó là một loại chó lai nên to lớn, khỏe mạnh. Lông của nó màu nâu nhạt. Giống chó này rất trung thành và giỏi săn mồi.
Từ Hà Nội phải đi khoảng 40km rồi qua một con phà nhỏ vượt sông Hồng mới đến được địa phận Hưng Yên. Nhà quê bà nội tôi ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu cũng cách bến đò không xa lắm. Nơi đây là vùng quê nghèo nằm ngoài đê nên không trồng lúa gạo được. Tuy nhiên, khung cảnh nơi đây đẹp đẽ, bao quanh bởi những lũy tre làng xanh mướt, con đường làng thân thuộc nối liền nhà dân với các công trình đền, chùa, miếu, phủ tôn nghiêm tạo nên một bầu không khí làng quê đầm ấm và đậm chất thơ.


Con Tô Pi từ thành phố bao lâu nay bỗng nhiên có dịp được về quê nên nó vui thích lắm. Chạy nhảy khắp nơi cùng cậu chủ nhỏ khám phá, chơi đùa và săn bắt bọn chuột đồng, thỏ hoang ở bãi mía, ruộng khoai. Tối về lại nằm trên sàn đất lạnh giữa mùa đông giá rét gần bên chủ để canh gác, bảo vệ. Nhà có khoai, thì dùng khoai có sắn thì dùng sắn, nó cũng chẳng nề hà gì. Mà thời ấy cũng chẳng ai cho chó ăn như bây giờ cả, tự nó phải sinh tồn, chiến đấu với tự nhiên để sống mà thôi. Bố tôi kể đến đây thí đột nhiên buột miệng ngâm một bài thơ về hình ảnh con chó trong ký ức xa xưa.
Đêm năm canh con mắt như chong
Đứa đạo tặc khép vai khủng độ
Ngày sáu khắc lỗ tai hàng trống
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh
Ăn thì môn sượng khoai sùng
Tới bữa ăn chẳng đặng ít nhiều
Có cũng rằng, không cũng chớ. ..
Ngay cả con người thời đó còn chẳng có cơm gạo mà ăn nói gì đến chó. Ấy thế mà nó vẫn khỏe mạnh, lanh lợi, chạy nhảy khắp nơi.
Bố tôi ngày ấy về quê cũng được phân công đi lao động, cắt rau, chăn bò. Con Tô Pi tuy to lớn nhưng trung thành đi đâu cũng quẩn quanh theo cậu chủ nhỏ. Có lẽ tình cảm của bố tôi và con Tô Pi rất là khắng khít và nhiều kỷ niệm đẹp. Đến nỗi mãi đến tận bây giờ tôi thấy thỉnh thoảng bố tôi vẫn ngâm nga bài hát rất lạ của trẻ con như sau:
Em có nuôi một con chó
To lắm cơ như con bò
Nay có kêu “Gấu Gấu Gấu”
Mai có kênh “Gầu Gầu Gầu”
Giờ nghe câu chuyện này thì tôi mới hiểu.
Cuối năm 1946 đầu 1947, Pháp tái chiếm Hà Nội. Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu bùng nổ dữ dội. Không chỉ ở trong nội thành mà cuộc chiến đã nhanh chóng lan tỏa đến hết các vùng làng quê miền Bắc.
Hàng ngày, tàu chiến Pháp chạy dọc theo sông Hồng và bắn pháo vào các làng để thị uy. Có những loại đạn pháo gọi là “đum đum” rất đáng sợ có thể xé toang cả người, chém đứt ngang những thân cây táo to lớn trong vườn. Sau những trận pháo kích là quân Pháp đi vào làng càn quét, bắt bớ, giết chóc. Vùng quê bao năm yên bình bỗng nhiên trở nên tan hoang, nguy hiểm. Người dân phải tìm cách đào hầm tránh pháo và chạy trốn khi có tin giặc đi càn.
Tuy nhiên, dân ở đâu thì chó ở đó. Mà đặc tính của chó cứ hễ thấy người lạ là lập tức sủa ầm lên. Đây cũng là đặc điểm để quân địch dễ dàng phát giác nơi có người dân trú ẩn.
Để đảm bảo công tác bí mật, du kích địa phương đã lệnh cho dân tìm giết hết chó.
Tuy nhiên con Tô Pi của bố tôi lại rất thông minh. Nó biết có mùi nguy hiểm nên khi có người lạ đến là lập tức chạy trốn, ẩn nấp rất nhanh đến nỗi không ai bắt được nó. Bản thân nó cũng là một con chó to lớn và khỏe mạnh nên cũng không phải là dạng dễ đối phó. Chỉ khi những mối đe dọa kia rời khỏi thì nó lại chạy ngay về bên cạnh người chủ nhỏ thân thương.
Sau nhiều lần vây bắt con Tô Pi không thành, dân quân đến tận nhà vận động bố tôi phối hợp để bắt nó và giao nộp để xử lý.
Trước hoàn cảnh thực tế và với sự vận động của gia đình. Cuối cùng bố tôi cũng đồng ý hợp tác.
Bố gọi con Tô Pi lại, ôm nó vào lòng lần cuối và để dân quân thòng dây vào cổ lôi nó đi. Con chó giãy giụa phản ứng trong tuyệt vọng, ủng ẳng được mấy câu rồi cuối cùng cũng phải đành thuận theo số phận. Tuy nhiên, ánh mắt của nó nhìn về cậu chủ nhỏ đầy sự thân thương và đồng cảm làm cho cả nhà ai nấy đều dâng trào cảm xúc.
Nhìn hình ảnh con chó thân yêu quấn quít suốt ngày suốt tháng với bao kỷ niệm bị lôi khỏi sân nhà làm cậu bé 10 tuổi không thể kìm được nước mắt. Không biết sau đó con Tô Pi bị người ta xử lý thế nào. Chỉ biết từ ngày đó nó không còn xuất hiện trên cuộc đời này nữa. Cả một vùng làng quê miền Bắc cũng im bặc tiếng chó sủa thân quen.
Sự ra đi của Tô Pi trong hoàn cảnh ấy đã để lại những dấu ấn về tâm lý không thể phai mờ trong tâm khảm của bố tôi.
Sang năm 1947, những người dân Hà Nội đang đi sơ tán lại hồi cư về Thủ Đô tiếp tục bám trụ, sinh hoạt và xây dựng cơ sở cách mạng đấu tranh lâu dài.
Gia đình ông nội tôi từ quê Hưng Yên trở về sống tại ngõ Thổ Quan – Khâm Thiên – Hà Nội. Ông Nội tôi mở một tiệm buôn bán đồ gỗ đặt tên là “Mỹ Long” ở 219c Khâm Thiên làm kế sinh nhai rồi gia nhập Đảng Cộng Sản, hoạt động cách mạng, giữ chức bí thư chi bộ khu Văn Miếu (nay là Quận Đống Đa – Hà Nội). Bố tôi được gia đình đặc cách ưu tiên cho việc học tập trong khi các bác gái (chị của bố) đều phải tham gia làm nghề buôn bán kiếm sống.
Vài năm sau, nhà ông nội lại nuôi 1 con chó khác. Đây là một con chó cái và vừa đẻ được cả một đàn con.
Một hôm, con chó mẹ lại đi cắn người trong làng nên bị người ta bắt nhốt lại kiểm tra xem có phải chó dại không. Trong lúc đó, bố tôi ở nhà chơi đùa với mấy con chó con thế nào cuối cùng lại bị 1 con cắn trầy da nhưng chưa đển nỗi chảy máu.
Do vết cắn cũng không quá nghiêm trọng nên ở nhà ông bà cũng chỉ rửa sạch vết thương và bôi cồn, thuốc đỏ để chống nhiễm trùng là xong. Tuy nhiên, mấy hôm sau khi người ta thả con chó mẹ ra thì nó lại bỏ đi đâu mất còn con chó con đã cắn bố tôi lại bị chết. Điều này đã làm cả nhà hoang mang lo sợ rằng con chó cái đã bị dại thật và con chó con ấy cũng có thể bị dại mà chết chăng.
Lúc này thì bố tôi lại rất hoang mang vì không biết mình có bị nhiểm bệnh dại chưa. Thế là ông lo lắng tự mình đạp xe đến viện Pastuer Hà Nội nằm ở ngay ngã tư phố Yersin và phố Lò Đúc ngày nay để xin tiêm thuốc ngừa bệnh dại. Tuy nhiên, một ông bác sĩ người Pháp sau khi khám xong cho bố tôi thì nói “nếu tiêm ngừa bệnh dại là phải tiêm ngay sau khi bị chó cắn. Nếu để qua 3 ngày thì tiêm ngừa không còn tác dụng. Nếu mà nhiễm bệnh dại thì vô phương cứu chữa. Y học hiện đại cũng không có giải pháp nào”. Sau đó ông cho bố tôi về và tự theo dõi. Số mạng thế nào thì do trời định vậy.
Bố tôi bước ra khỏi viện Pasteur mà đầu óc thẫn thờ. Quả đúng quá chủ quan không đi tiêm phòng ngay. Giờ thì đã quá muộn chỉ còn chờ ngày chết.
Nghĩ đoạn, ông tự mình đạp xe một vòng Hà Nội để ngắm nhìn những cảnh vật thân quen một lần nữa trước khi từ giã cõi đời này. Nào là Hồ Hoàn Kiếm có tháp rùa uy nghiêm cổ kính, nào là cầu Thê Húc với màu đỏ son dẫn vào đền Ngọc Sơn ẩn hiện sau những bóng đa cổ thụ, nào là nhờ thờ lớn, cột cờ Hà Nội rồi đến tận Hồ Tây nhìn ngắm mặt hồ đang dần chuyển sang màu đỏ cam phản chiếu ánh nắng chiều hoàng hôn.
Trở về nhà, ông tắm rửa sạch sẽ rồi tạm biệt mọi người leo lên giường nằm sẵn sàng chờ chết. Rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau khi tiếng gà gáy vang lên trong làng, tiếng người đi chợ qua lại ồn ào trong ngõ làm ông tỉnh giấc. Nhìn lại vẫn thấy mình lành lặn khỏe mạnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Không sốt, ho, mệt mỏi, tê buốt đau thương gì. Lại thêm mấy ngày nữa qua đi sức khỏe vẫn ổn định, ăn nhiều ngủ ngon. Chạy nhảy hồn nhiên.
Đến lúc này ông mới biết mình đã may mắn thoát qua cơn hiểm nghèo của bệnh chó dại. Tuy nhiên, trong tiềm thức cũng bắt đầu có sự cảnh giác với chó vì biết đâu sự may mắn lại không lặp lại trong sự cố tiếp theo thì sao.
Sau 2 biến cố để đời liên quan đến chó, từ đó trở đi bố tôi nhất quyết không nuôi chó trong nhà nữa. Một câu chuyện đau thương phải đem chó đi giết, một câu chuyện đau thương khác là suýt nữa thì bị chó nó giết. Nói chung cả 2 câu chuyên đều thảm cả.
Và đó là lý do bố tôi cương quyết không muốn nuôi chó trong nhà từ dạo đó đến giờ. Nói chung, tôi hiểu nhũng gì tạo nên dấu ấn đầu đời mạnh mẽ thì nó sẽ ăn sâu vào tâm trí và theo đuổi mình mãi. Giống như một cái neo cảm xúc vậy.
Thông qua câu chuyện này tôi lại được trở về thời thơ ấu của bố. Trở lại một thời chiến tranh gian khổ của dân tộc, trở lại với gia đình ông bà nội và các cô dì chú bác tôi một thời trong làng quê Hưng Yên và ngõ Thổ Quan – Khâm Thiên ngày ấy. Lại hiểu được nguyên do sâu xa của việc cự tuyệt nuôi chó trong nhà của bố.
Lại quay về chuyện của bé Siro. Nó giờ cũng đã định cư ở miền quê Củ Chi thoáng mát, có khí hậu trong lành, ruộng đồng bao la. Nhà của bạn tôi lại khá rộng rãi nên nó tha hồ mà chạy nhảy tung tăng, giở đủ trò vui vẻ. Lại có thêm 1 con chó đốm cao lớn tồng ngồng và đàn gà trong sân làm bạn. 2 cô chủ nhỏ mới rất đáng yêu và thường xuyên chơi đùa với Siro. Con gái tôi thì thường xuyên gọi zalo cho vợ của bạn tôi để thăm hỏi và tôi thấy nó cũng rất hạnh phúc.
Hy vọng đến ngày hết dịch, 2 cha con tiêm đủ 2 liều vắc xin sẽ lại phi về Củ Chi. Vừa thăm người vừa thăm chó.
— hết —