Chinh Phục Cực Nam

Vào một ngày giữa tháng 4/2013, tôi bỗng nhận được cuộc gọi từ Khoa về một chuyến đổ bộ hoành tráng của anh em Đà Nẵng vào Sài Gòn nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và đề nghị tôi thiết kế một chuyến dã ngoại cuối tuần khám phá miền Tây sông nước.

Từ ngày rời Microsoft, cứ tưởng các mối quan hệ với anh em đối tác và nhà phân phối ở Đà Nẵng xa xôi cũng theo thời gian mà mai một dần vì công việc mới của tôi hiện giờ chưa có gì liên quan đến thị trường miền Trung. Ấy thế mà anh em vẫn cứ ý ới nhau suốt ngày. Có những lúc Khoa, Huy (Net&Com) và Trung (FDC Đà Nẵng) có dịp ngồi lai rai với các anh em IT Manager của các khách sạn, resort dọc bờ biển Đà Nẵng và Quảng Nam thì lại nhớ và gọi cho tôi. Nội dung thì cũng không có gì đặc biệt, chỉ là hỏi thăm sức khỏe, và mong muốn có dịp anh em gặp nhau vì … nhớ nhau quá hehe.. Thế rồi, anh em cũng bố trí cho tôi có dịp quay lại Đà Nẵng và Hội An, lúc thì tham quan Cù Lao Chàm, lúc thì làm đào tạo cho vài khách sạn, lúc thì cố vấn về online marketing v.v..

Kỳ này, nhận được trọng trách thiết kế tour về miền Tây, tôi chẳng biết nên làm thế nào cho hay. Anh em có người thích vận động, có người thích khám phá, có người thích chụp ảnh, có người thích văn nghệ và có người lại chỉ thích .. nhậu cho vui cùng anh em. Ban đầu, tôi định đưa mọi người về Cần Thơ, sau đó thấy không khoái lắm nên lại đổi thành Kiên Giang rồi An Giang… Tuy nhiên , đi đâu cũng vậy, phải có “thổ địa” thì mới vui và khám phá được nhiều cái hay. Thông tin về dự định chinh phục miền Tây của tôi được loan đi nhanh chóng cho các anh em ở các tỉnh, người thân, bạn bè cũ ai cũng nhiệt tình và giới thiệu nhiều loại hình khám phá thú vị. Tuy nhiên, tôi cũng chưa biết chọn option nào cho phù hợp nhất.

Đang trong lúc phân vân chưa biết đi Đông hay đi Tây thì tôi nhận được thông tin của Trung và Tiến (là 2 đứa em làm cùng 123Mua) về 1 ý định táo bạo “chinh phục Cực Nam tổ quốc”. Đặc biệt Cà Mau lại là quê của Suol (bạn thân của Trung và Tiến và cũng là người tôi biết khá rõ). Thấy ý tưởng hay tôi “duyệt” ngay và thông tin cho anh em Đà Nẵng. Không khí có phần sôi động khi anh em nhận được chương trình của Suol gửi với nhiều thông tin thú vị cùng với hinh ảnh minh họa khá sinh động.

Tuy nhiên, do nhóm Đà Nẵng vào SG vào trưa thứ Bảy và tối có đám cưới 1 người bạn cùng Đại Học nên chúng tôi chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm có Suol, Trung, Tiến, Huy đi xe bus Phương Trang về Bạc Liêu trước từ tối thứ Sáu (19/4). Tôi cùng 7 anh em Đà Nẵng sẽ thuê xe riêng khởi hành vào đêm hôm sau, thứ Bảy (20/4).

Đúng 11 giờ đêm 20/4, chiếc Mercedes Sprinter 16 chỗ đã bon bon trên đại lộ Đông Tây với 8 thành viên và 1 tài xế. Tôi chọn băng ghế sau và nằm ngả xuống ngủ 1 giấc lấy sức. Đoạn đường từ SG đi Cà Mau dài đằng đẵng đến 380km, đi nhanh thì cũng mất 7 tiếng, nếu kẹt xe thì phải từ 8-10 tiếng là bình thường. Cũng may, chúng tôi chọn thời điểm hành quân ban đêm nên đường khá vắng vẻ và xe chạy gần như hết tốc độ cho phép.

đến gần 4:30 sáng xe chúng tôi chạy qua một nhà thờ lớn, đèn đuốc sáng choang, 2 bên đường người bán hàng đông nghịt. Thấy lạ, tôi nhổm người dậy quan sát kỹ thì thấy 1 bảng hiệu to ghi là “Thánh đường Tắc Sậy”. Hỏi anh tài xế mới biết đây là thánh đường thờ cha Trương Bửu Diệp là một người đã được phong thánh, ông được người dân ở đây thờ cúng do đã có công hy sinh bản thân mình để cứu hơn 70 giáo dân khỏi cảnh bị Nhật thảm sát vào ngày 12 tháng 3 năm 1946. Hiện nay Thánh đường Tắc Sậy vẫn có lưu giữ hài cốt của cha Diệp (chỉ có thân mà không có đầu, do cha bị Nhật chém sau ót, ngang mang tai). Sau này nhiều truyền thuyết do dân gian truyền tụng về việc ông hiển linh và cứu nhân độ thế do đó thánh đường rất đông người từ tứ xứ đến viếng thăm và cầu an. Đặc biệt là vào ngày 11-12 tháng 3 Dương Lịch hàng năm được xem là ngày giỗ của ông.

Khoảng gần 5 giờ sáng tôi gọi điện thoại liên lạc với Trung để đón 4 anh em đang ở Bạc Liêu, những địa danh ở Bạc Liêu hoàn toàn mới lạ với tôi nên xe phải vừa đi vừa tìm cái địa danh “Vàm Bộ Buối” rất chi là quái dị..

Cuối cùng sau khoảng 20 cuộc điện thoại qua lại, chúng tôi cũng đón được nhóm 4 anh em ở Vàm Bửu Buối (Bạc Liêu) và tiếp tục hành trình đến Cà Mau.

Trời đã rạng sáng, thành phố Cà Mau đã hiện rõ mồn một, cả đoàn chúng tôi lúc này đều rất hân hoan vì lần đầu tiên được đặt chân đến vùng đất cực nam của tổ quốc. Không khí buổi sáng khá trong lành nhưng hình như anh em vẫn còn khá chuếnh choáng sau trận oanh tạc Heineken của buổi họp mặt thân mật từ trưa thứ Bảy hôm trước. Thấy vậy, Suol đề nghị anh em ăn sáng với món đặc sản Bún Cà Ri Bò Cay rất độc đáo của vùng đất mũi. Được biết, đây là món tuyệt chiêu của người Hoa có tác dụng giải rượu và kích hoạt lại vị giác. Món này ngày xưa chỉ dành cho giới thượng lưu giúp lấy lại phong độ sau những trận ăn nhậu quá chén hoặc giúp bớt ngán để có thể ăn tiếp món khác.

Chúng tôi ngồi vào bàn, bà chủ đến đon đả giới thiệu 2 “option” một là “cay nhiều” hai là “cay ít”. Mọi người thắc mắc lắm nhưng cũng ráng chờ thử xem cái “cay nhiều” nó thế nào.

Bún được mang ra, tôi nếm thử thì đây là loại bún gạo màu trắng đục, vừa dẻo, vừa bùi. Tô bún cay nồng với loại sa tế được làm rất công phu từ loại ớt sừng trâu chín tươi, đem hấp rồi xay nhuyễn cùng với hạt điều để tạo màu sắc cà ri khá hấp dẫn. Trong vị cay nồng, tôi còn cảm nhận hình như còn chút xíu hương vị của xả và riềng giúp kích thích vị giác một cách tuyệt vời. Thịt bò kho cũng rất tinh tế, không dính mỡ, không ninh quá rục, không để quá dai, để vào miệng miếng nào là thấm ngay miếng đó. Anh em người nào cũng mồ hôi túa ra như tắm. Riêng tôi thì thấy hết đau đầu và mắt sáng rực rỡ, tinh thần sảng khoái.

Suol đưa anh em chúng tôi về khách sạn Song Ngọc ở số 2B Hùng Vương để mọi người thay đồ, tắm rửa, làm vệ sinh trước khi chinh phục cực Nam.

Điều làm cho các anh xôn xao bàn tán nhất vẫn là 2 em gái xinh đẹp trực tiếp tân. Ôi con gái miền Tây, mặt mũi dễ thương, ăn nói lại nhẹ nhàng lễ phép không sắc sảo, không lý luận, không tranh cãi, các anh khen xinh thì xấu hổ che miệng cười, các anh hỏi tên thì nói tên thật, hỏi xin số điện thoại vì sợ nhỡ lát nữa cần gì thắc mắc về Cà Mau sẽ gọi… thì các em cho số thật. Các anh thấy thế lại tiếp tục huênh hoang “anh này là đại gia, anh kia là thiếu gia..” .. tôi nghe có giọng ai đó thầm thì vừa đủ cho những người đứng gần nghe rõ “Ủa chứ không phải anh chỉ là thằng bán bánh giò à?” rồi tiếng cười khúc khích…Đấy đừng tưởng con người ta khù khờ không biết gì mà làm tới nha hehe.. Mọi người đều hân hoan vui vẻ, ai cũng thích thú vì thái độ hiếu khách của người Cà Mau, đặc chất Nam bộ.

Chúng tôi để lại hành trang ở khách sạn, chỉ mang theo máy ảnh và những thứ cần thiết nhất để lên đường. Chuẩn bị cho chuyến chinh phục vùng đất mũi bằng ca nô dài đến 128km đường sông.

Cả đoàn 12 người lên xe di chuyển đến một bến sông nhỏ. Đường xá ở đây đang sửa chữa nên xe di chuyển rất khó. Chúng tôi xuống xe và đi bộ theo Suol một đoạn rồi rẽ vào một bến tàu cano nhỏ xíu. Đúng là nếu không có thổ địa chúng tôi cũng chịu thua không thể tìm ra những bến tàu kiểu này.

Chiếc cano nhỏ với 4 hàng ghế vừa đủ cho cả đoàn 12 người chúng tôi di chuyển thoải mái.

Trong đợt hành quân này, chúng tôi có đến 3 tay “súng” bán chuyên nghiệp là tôi, Khoa Net&com và Trung (FDC). Nói chung anh em đi phượt nên cố gắng trang bị vũ khí trông kha khá 1 tý để khỏi bỏ lỡ những cảnh đẹp. Riêng Khoa trong chuyến đi này tôi để ý có chuẩn bị súng đạn hơi bị “khủng” đây. Tôi thấy đã có 2 phó nháy pro rồi nên chuyển sang quay camera. Hy vọng ngoài hình ảnh, mọi người sẽ còn có cảm giác thực của chuyến hành trình đường sông hoành tráng.

Cano lướt sóng chạy vun vút với tốc độ hơn 50km trên con sông hẹp làm cả đoàn chúng tôi ai cũng hào hứng. Anh em nhớ lại cảnh đi tàu siêu tốc vượt biển Hội An ra Cù Lao Chàm cũng đầy thú vị. Đợt này cái cảm giác đó lại tái hiện đây. Qua những đoạn sông hẹp và nước thủy triều cạn, chúng tôi có cảm giác như cano đang chạm vào đáy sông nghe “kịch” “kịch” phát sợ. Anh tài công cũng là tay điêu luyện, biểu diễn lạng lách đánh võng khí thế trên sông. Tôi hỏi “có bao giờ anh chạy làm chìm thuyền người ta không?”, anh chàng trả lời tỉnh queo “dạ, lật quài chớ gì” haha.. mà đúng thât, cano chạy siêu tốc kiểu này tạo sóng rất lớn, mấy thuyền nhỏ chịu gì nổi. Tuy vậy, những người lái cano có kinh nghiệm sẽ biết cách đánh võng để dồn sóng tránh những thuyền nhỏ rất hay.

Lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi trên cano di chuyển trên sông với lộ trình xa như thế này, tổng khoảng cách đường sông từ đất liền ra đến mũi Cà Mau là 128km, cano lao vun vút qua những nhánh sông nhỏ rồi sông lớn, 2 bên bờ lúc thì nhà cửa san sát, lúc thì toàn bãi dừa nước, lúc thì lại bạt ngàn những đầm nuôi tôm của bà con nông dân. Khung cảnh thật yên ả, đặc chất miền Tây sông nước.

Cách đây chừng hơn 5 tháng, ở Cà Mau có vụ án 100 con cá sấu xiêm xổng chuồng bơi ra sông làm bà con rất hoang mang. Nghe nói sau này vẫn chưa thu hồi được hết cá sấu và vẫn còn khoảng 6, 7 con trốn thoát ra được sông Cửa Lớn (là con sông mà chúng tôi đang di chuyển). Hồi đi rừng ở Nam Cát Tiên tôi cũng có dịp nghiên cứu sơ bộ với các anh kiểm lâm ở đó về loài cá sấu Xiêm này. Nói chung cá sấu Xiêm không nguy hiểm như cá sấu Hoa Cà và nó sống ở vùng nước ngọt. Nếu ra vùng nước mặn chắc chắn phải ngoi đầu lên thở. Nếu vùng sông có nhiều cá lớn thì nó tha hồ vùng vẫy và tuyệt đối chẳng bao giờ dám tự nhiên tấn công người trừ 1 điều .. mình bơi hoặc đạp trúng ổ cá sấu con của nó.

Di chuyển hơn 1 tiếng đường sông, chúng tôi đến địa phận Năm Căn. Anh tài công cho cano tắp vào một ngôi chợ ven sông để chúng tôi có dịp tham quan khung cảnh chợ miền sông nước trong khi Suol, Tiến và Trung chạy đi mua ít bia để trưa anh em giải khát.

Chợ ven sông nhỏ nhưng cũng đủ thứ hấp dẫn, tôi thích các loại bánh miền quê sông nước như bánh cam, bánh tét, bánh ú, bánh bò, bánh da lợn, bánh khoai mì v.v.. thật là ngon quá đi.

Chúng tôi dừng ở chợ khoảng hơn 30 phút rồi tiếp lục kéo nhau lên thuyền di chuyển tiếp đến vùng đất mũi, lại đi hết hơn 1 tiếng nữa thì đến nơi.

Giữa trời trưa nắng gắt chói chang mà cả đoàn anh em người nào cũng hồ hởi vì cuối cùng sau cuộc hành trình dài đằng đẵng cũng đã đặt chân đến điểm cực Nam của tổ quốc. Như vậy riêng tôi đến thời điểm này đã chinh phục được 3 điểm là Cực Bắc (Lũng Cú), Cực Đông (Mũi Đôi – Đại Lãnh) và giờ đây là cực Nam (Cà Mau). Còn cực Tây ở Apachai (Điện Biên Phủ) trong năm nay nếu có điều kiện sẽ hoàn thành luôn. Ngoài 3 điểm này thì tôi còn chinh phục thêm được cả ngã 3 Đông Dương tại cửa khẩu Pờ Y (Kon Tum), đỉnh Phansipan cao nhất Việt Nam 3143m, chinh phục Núi Chúa Phan Rang nơi được xem là có lượng gió mạnh nhất và khô hạn nhất Việt Nam, núi Mẫu Sơn Lạng Sơn nơi được xem là lạnh giá nhất Việt Nam (ngoài ra trong 1 chuyến chinh phục Cao Nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang, tôi còn được chú Đỗ Đức giới thiệu 1 địa danh được xem là lạnh giá nhất của Hà Giang đó là khe núi Lãng Xì). Còn điểm sâu nhất Việt Nam thì potay, không dám đi khám phá luôn hehe… Tuy nhiên, nếu nói Vịnh Cam Ranh là cảng nước sâu đẹp nhất Việt Nam thì tôi lại có thêm 1 chiến tích nữa haha..

Dạo quanh 1 vòng tham quan điểm cột mốc lãnh thổ xong, chúng tôi lại trèo lên tháp quan sát để nhìn toàn cảnh mũi Cà Mau

Nếu ai chưa hình dung ra được cái Mũi nó như thế nào thì xem hình này là biết ngay

Và rừng nước mặn là thế này đây

Từ tháp quan sát, chúng tôi đã nghe tiếng hát ca cổ cải lương vang vọng cả 1 vùng. Tiếng các em gái hát những bài vọng cổ rặc chất Nam bộ thật là dễ thương. Cậu HDV hỏi chung cả đoàn “Đoàn mình có ai biết hát thì lát giao lưu với các em gái miền quê đất Mũi nha. Thấy các anh đi chơi mà mang đàn theo cũng biết là dân văn nghệ rồi”.

Nghe có dự án giao lưu văn nghệ thì anh em lấy lại phong độ ngay. Đoàn chúng tôi di chuyển về nhà hàng và chuẩn bị cho bữa trưa thịnh soạn với những món đặc sản của Cà Mau.

Vừa dùng xong bữa, các em gái Cà Mau phục vụ bàn cũng vui vẻ hát tặng các anh lữ khách 2 bài cải lương nghe quá xúc động. Ai cũng vỗ tay rầm rầm.

Để đáp lại tấm thịnh tình, đoàn chúng tôi cũng cử 2 cây văn nghệ hát đối, tặng các em Cà Mau với những tác phẩm tuyệt hay. Cả nhà hàng đông người bỗng im phăng phắc lắng nghe và hòa nhịp với chất giọng đặc quánh khí chất oai hùng của người Quảng Trị – Nguyễn Đức Trương với ca khúc “cây đàn chapi” và tiếng đàn solo mượt như mía lùi cùng giọng hát trong trẻo pha chút âm sắc Huế của Trương Đình Quang Huy với nhạc phẩm “Mắt Đen” của Bức Tường. Tiếng hát tiếng đàn vừa dứt , tiếng vỗ tay vang lên ầm ầm, tôi liếc nhìn sang mấy bàn bên cạnh thấy mấy bà mấy cô đang phải lấy khăn giấy ra lau lau chùi chùi tới tấp..không rõ là lý do gì ..

Ăn uống đã no nê, chúng tôi tạm biệt các em gái Cà Mau và tiếp tục cuộc hành quân vào khu rừng đước ngập mặn để cắm trại và giải trí văn nghệ.

(còn tiếp)

Tập 2: đặc sản vùng Cực Nam

2 thoughts on “Chinh Phục Cực Nam

  1. Pingback: Đặc sản miền Cực Nam | Dong Nguyen's Blog

  2. Pingback: Tập 3: Một ngày với công tử Bạc Liêu | Dong Nguyen's Blog

Trả lời