Bài 1:Tiếng gọi nơi hoang dã
Bài 2:Làng dân tộc Tà Lài
Bài 3: Rừng vắt
Bài 4: Đêm trắng
Mới 5 giờ sáng tôi đã thức giấc nhờ tiếng đàn của chú Thiệp. Tôi nghe mang máng một ca khúc nào đó của Trịnh Công Sơn. Tiếng đàn của chú thật là điêu luyện mặc dù đêm qua tôi đã làm đứt mất 1 dây trong lúc cao trào nhất. Bình sinh tôi là thằng thích đàn hát nhưng kỹ năng cũng vào tầm trung bình, mỗi lần gặp ai tài năng trong lãnh vực này tôi đều xin bái làm sư phụ để hy vọng học thêm vài chiêu mới.
Ánh sáng ban mai của rừng thật là đẹp, tôi nằm trên võng và cảm giác như có vài giọt sương rơi lộp độp xuống mặt. Thật là một đêm trong rừng thú vị và may mắn là không bị mưa. Mọi người đều được một giấc ngủ ngon đủ sức khỏe cho cuộc hành trình tiếp theo.
Tôi mở mắt và “choáng” ngay khi thấy một con vắt to đùng đang nằm ở cổ tay. Chẳng biết nó chui vào lúc nào mà đã hút được nhiều máu thế. Tôi dứt nó ra và vứt đi. Nhìn lại xung quanh vãn còn yên ắng lắm. Anh em vẫn còn vùi sâu trong giấc ngủ sau một đêm đập phá tơi bời khói lửa.
ở phía bờ suối, hình như mới chỉ có chú Thiệp và anh Đức. 2 người đang lúi húi dọn dẹp chiến trường và đun nước.
Tôi tranh thủ dậy sớm ra suối làm vệ sinh cá nhân trước. Một số anh em cũng lục tục kéo dậy.
Sáng nay chúng tôi sẽ làm món mì gói ăn với chả Huế. Cơm hôm qua nấu còn dư, chúng tôi đã xới bỏ vào trong một cái chậu lớn đặt trên một tảng đá nằm giữa suối nên kiến không vào được. Giờ thì có thể tiếp tục ăn cùng với món thịt kho. Nói chung thực đơn cũng khá phong phú cho anh em. Ngoài ra anh Đức cũng có thủ thêm một ít café hòa tan và trà nên khi anh em cả đoàn thức giấc thì thật là quá bất ngờ. tối ăn chơi thì có rượu, sáng tinh mơ thì lại có trà và café thơm phức vậy thì cuộc đời này còn có gì là sung sướng hơn nữa nhi?
Ánh lửa vẫn được duy trì cả đêm qua để xua đuổi vắt, giờ lại bùng lên phục vụ anh em bữa ăn sáng và sau đó làm công việc “thủ tiêu” mọi dấu vết của một đội quân. Những thứ mà chúng tôi không muốn mang vác theo như rau, cơm thì đều để lại ở một góc suối cho thú rừng đến ăn. Theo kinh nghiệm của kiểm lâm thì tất cả những gì ăn được sẽ đều được bọn thú đến đây dọn dẹp sạch sẽ. Cá ở dưới suối cũng còn khá nhiều. Chúng tôi cũng không ái ngại về việc làm ảnh hưởng đến môi trường sống của tự nhiên.
Vì luôn trong tư thế bảo vệ nên đêm qua anh em mặc luôn cả quần dài và tất chống vắt đi ngủ. Mặc kệ là trời nóng hay lạnh. Có đồ nghề bảo vệ là yên tâm hơn.
Nhìn Mai Đăng Thành chụp hình bất luận là nửa đêm, sáng sớm hay giữa trưa nắng gắt đều rất giống “lâm tặc” hehe
Sau bữa sáng cực kỳ ngon miệng và sảng khoái trong bầu không khí thiên nhiên mát rượi lúc ban mai của rừng già, chúng tôi lại chia nhau tháo dỡ võng mùng và các tấm tăng, bạt che v.v..sau đó phân chia hành trang cho từng người và nhanh chóng … lên đường.
Con đường từ suối C2 về lại Bàu Sấu dài đến 15km. tuy nhiên đây là con đường vất vả cho cả đoàn vì chúng tôi phải vượt qua những ngọn đồi nhỏ lởm chởm đá tổ ong trơn tuột rất dễ bị trượt chân dẫn đến bong gân. Mà trong cái tình trạng hành quân kiểu này, chỉ một người bị bong gân thì coi như là nỗi bất hạnh lớn cho cả đoàn. Chúng tôi tuyệt đối không thể cõng ai hoặc khiêng ai trong cái địa hình đá lởm chởm và rừng già rậm rịt này.
Không khí mát lạnh của buổi sáng cũng là điều kiện tốt cho vắt hoạt động trở lại. Chúng bắt đầu nhoi lên từ khắp mọi nơi. Chúng bò lên quần áo một cách nhanh chóng và tiếp cận một cách hào hứng với da thịt con người. Cuộc chiến chống vắt lại bắt đầu tiếp diễn.
Thật sự chúng tôi không thể ngờ được số lượng vắt lại nhiều đến như thế, mỗi chỗ hở trên quần áo lại là một cơ hội mới cho vắt xâm nhập. Từ cánh tay cho đến thắt lưng, bụng, cổ và thậm chí là cả trên ..đỉnh đầu. Có những con vắt tôi dùng cả 2 tay tuốt cho lột xác ra đến mấy lần cho đến khi nó thẳng đuột như sợi dây thun và vứt đi. Có con thì tôi chỉ còn đủ sức đè chúng vào thân cây ven đường và chạy vụt qua.
Hôm nay chúng tôi không phải len lỏi trong cánh rừng tre nứa mà đi qua khu rừng với những thân cây to. Có những cây gỗ bằng lăng to đến vài người ôm, có những cây đa “bóp cổ” trông hình thù rất rất cổ quái. Gọi là đa “bóp cổ’ vì nó ban đầu chỉ mọc ký sinh trên một cây bằng lăng, sau mấy trăm năm nó tủa ra các rễ dài hút hết chất dinh dưỡng của cây chủ và “bóp chết” cây chủ ở tư thế từ trên xuống giống hệt người bị bóp cổ. Nhìn những cây đa này đằng đằng sát khí chẳng khác gì những hung thần.
Hành quân được hơn 1 giờ thì trời bắt đầu đổ mưa, tiếng mưa bắt đầu rầm rập từ mọi phía của khu rừng. anh Đức ra hiệu cho cả đoàn dừng lại ở một trảng rừng với nhiều thân cây to. Chúng tôi tranh thủ cởi balo và mặc áo mưa sẵn sàng chống trả một trận mưa rừng khủng khiếp.
Theo kinh nghiệm của người đi rừng thì khi mưa rừng bắt đầu nặng hạt và có gió mạnh thì tốt nhất cả đoàn nên dừng lại kiếm một chỗ thông thoáng mà hạ trại. Nguyên nhân chính là sợ cây đổ đè lên người. Ở khu rừng bằng lăng này, tuy nhìn bên ngoài thân cây rất to nhưng bên trong là rỗng ruột. Chỉ cần một ngọn cuồng phong là cây đổ rầm rầm. Chúng tôi trong lúc hành quân thường xuyên thấy những thân cây to bị đổ nằm chắn ngang đường. Anh em phải vất vả mới trèo qua được những thân cây to này mà đi tiếp.
Cũng may là cơn mưa rừng không quá lâu, chúng tôi ngồi nghỉ trên các rẽ cây lớn 1 chút rồi lại tiếp tục hành quân. Đường về Bàu Sấu còn xa và đoàn người cứ thể lầm lũi tiến. Ở những khúc cua ngoặt nhiều lối rẽ chúng tôi thấy các anh em kiểm lâm đã buộc sẵn những dải dây màu đỏ để đánh dấu lối đi. Nói vậy thôi chứ anh em vẫn lạc nhau suốt. Phải dùng miệng hú gọi nhau râm ran hết cả khu rừng để biết người trước đã đi hướng nào.
Cứ như vậy từng phút một trôi qua một cách nặng nề và mệt nhọc.
Đúng 12 giờ 1 phút trưa chúng tôi thoát khỏi đám cây cối nhẳng nhịt và nhìn thấy con đường mòn dẫn về Bàu Sấu. Ôi một cảm giác thật tuyệt vời, anh em ai nấy đều rạng rỡ khi nghe tin đã đến được trạm kiểm lâm Bàu Sấu và chuẩn bị được tắm rửa nghỉ ngơi. Còn bản thân tôi thì cũng trào dâng một cảm xúc rất khác lạ, tôi biết cả đoàn đã được an toàn, nhóc Vinh của tôi cũng tự tin vững bước tiến về cây cầu gỗ dẫn vào trạm kiểm lâm.
Con đường dẫn vào Bàu Sấu thật đẹp với một cây cầu gỗ vắt vẻo men theo triền núi. Vào mùa mưa lũ, nước có thể tràn qua mặt cầu và cá sấu thậm chí có thể nằm luôn trên cầu. Tuy nhiên vào những mùa khô thì nhìn xuống bên dưới chỉ là một vực khá sâu.
Chúng tôi tiến vào trạm kiểm lâm và tháo dỡ toàn bộ hành trang xuống, giầy vớ thì phơi ở thành cầu để đuổi vắt, từng nhóm chia nhau đi tắm và thay đổi trang phục. một nhóm khác thì tiếp tục chuẩn bị cho bữa trưa.
Được cái là ở Bàu Sấu có rất nhiều cá, nên theo đơn đặt hàng của chúng tôi, các anh em kiểm lâm đã lưới được một thau cá đầy. loại cá không nằm trong danh sách bảo tồn của đầm. Chúng tôi chuẩn bị làm cá và sẵn sàng cho món cá chiên cho bữa trưa.
Những anh em khác còn thừa sức thì tranh thủ mở cuộc thi vật tay kiếm chút bia uống, sau đó thì mở luôn sòng bạc mini dã chiến. Tự tưởng thưởng cho chiến công hoàn tất một chặng đường dài mệt mỏi.
Bàu sấu là một đầm nước khá rộng, có khoảng hơn 400 con cá sấu Xiêm được thả vào sống trong điều kiện tự nhiên. Sau bữa trưa, chúng tôi chia thành 2 tốp nhỏ lên thuyền chèo một vòng trên bầu Sấu để tận hưởng cái cảm giác thiên nhiên hoang dã một lần cuối cùng trước khi hành quân 5km trở lại ra đường cái. Do môi trường thiên nhiên còn khá phong phú nguồn thức ăn nên cá sấu ở đây không chủ động tấn công người. Thậm chí khi chúng tôi chèo xuống trên hồ, bọn chúng cũng tìm cách lẩn tránh. Tuy nhiên, đừng có mà dại dột bơi hoặc lội nước ở đây.
Đúng 4 giờ chúng tôi lại khăn gói tiến quân rời khỏi bàu sấu, con đường 5km giờ đây chẳng còn là trở ngại gì nữa cho cả đoàn. 2 cha con tôi mở hết tốc độ đi gần như chạy mà cũng có lúc chúng tôi phải chạy thật khi thấy những ụ mối to chắn ngang trên đường. Mối cũng là một loại nguy hiểm vì chúng được tổ chức như quân đội, có mối Chúa, mối thợ, mối lính…có khả năng phá hoại các công trình rất lớn và nhanh chóng.
Khoảng 5 giờ chúng tôi ra đến bìa rừng, xe của trạm kiểm lâm đã đến chờ sẵn. tôi nhìn lại 2 khuỷu chân đầy máu mà chán ngán. Đến chặng đường cuối cùng mà cũng không thoát được bọn vắt. cũng vì tôi chủ quan cho rằng con đường 5km này khá bằng phẳng và chúng tôi sẽ đi tốc độ cực nhanh nên vắt sẽ không kịp bám vào giày. Tôi thậm chí còn mặc cái quần short mới cho sạch sẽ, mang tất chống vắt và bôi thuốc chống vắt khắp nơi. Thật là một sự chủ quan ngu xuẩn. mỗi khuỷu chân tôi có đến ít nhất 4 con vắt đang bám vào hút máu một cách say mê, phải dùng thuốc lá rịt vào thì máu mới ngừng chảy xối xả. Sau này, tôi mới biết vết vắt cắn tuy không ngứa và nhức ngay tức thời nhưng lại mang những hiểm họa về sau rất kinh khủng. Nó làm cho người bị nổi mề đay ngứa ngáy khó chịu suốt nhiều ngày sau đó. Chỗ vắt cắn sẽ bị lồi thành 1 cục thịt ngứa ngáy kinh khủng. Chỉ cần đụng tay vào chỗ thịt lồi đó là máu lại chảy ra lại tiếp tục ngứa ngáy. Thôi nói nhiều chuyện này chắc bạn cũng nghĩ mình nói quá lên vấn đề nên tốt nhất cứ trải nghiệm qua một lần sẽ thông cảm hơn hehe…
Xe chở cả đoàn tiếp tục chạy về đến trung tâm khoảng 10 km. Tạm biệt Bàu Sấu, chúng tôi kiểm điểm lại quân số và tình trạng thương tích. Anh em vẫn còn nguyên vẹn, không ai bị thương tích gì nặng chỉ là những vết cào xước của gai rừng, của những vết máu lỗ chỗ do vắt cắn, một vài chỗ ngứa và nỗi mẩn do kiến đốt. Không ai bị bong gân hay trẹo chân gì. Mọi người có vẻ lấy lại được toàn bộ sinh khí sau hơn 20 phút ngồi trên xe mui trần từ Bầu Sấu trở về lại trung tâm.
Trời đã xế chiều và sụp tối rất nhanh, chúng tôi qua đò rồi nghỉ chân ở quán ven rừng, tôi đánh xe lại cho mọi người chất đồ.
Trong lúc nghỉ ngơi tranh thủ làm nửa quả đu đủ to để đảm bảo tiêu hóa tốt. tiếp tục lái xe liên tục 4 tiến đồng hồ đưa cả đoàn về lại TP.HCM an toàn.
Cuộc hành trình tạm dừng ở đây. Tôi về đến nhà đúng 11:30 tối Chủ Nhật. Tranh thủ đánh một giấc thật sâu để sáng hôm sau còn đi làm..
Hết.
Nguyễn Thế Đông
Pingback: Đêm trắng | Dong Nguyen's Blog