Hành trình đến đất nước Angkor

Ít nhất là đã 3 lần tôi có kế hoạch đi Campuchia nhưng không thành công, cuối cùng cũng được toại nguyện với chuyến đi tình cờ và đầy thú vị giữa những ngày bề bộn công việc.

Đáp xe buýt đi lên Mộc Bài, chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh khá nhanh và đơn giản, hải quan ở cửa khẩu cũng rất dễ chịu và không khắt khe như ở sân bay. Số lượng người Việt Nam sang thăm quan Campuchia kể từ này miễn visa tăng lên rõ rệt, mỗi tuần có cả ngàn người Việt Nam sang tham quan đất nước chùa tháp này.

Số lượng người tham quan Campuchia tại thời điểm hiện tại đứng đầu là người Hàn Quốc và thứ nhì là dân Việt Nam nhà mình.

Trời nóng như thiêu đốt, chỉ dừng lại ở cửa khẩu có vài phút mà mồ hôi túa ra như tắm. Tôi chỉ khoác chiếc balo nhỏ trong đó có cái laptop và vài bộ đồ nên rất gọn gàng, lách người qua đám đông chen chúc và đi bộ khoảng 200m đến cửa khẩu của Campuchia. Đây là một vùng đất rất rộng và tôi có cảm giác người ta cố tình làm cho vùng phi quân sự này trồng trải để dễ dàng quan sát khi có những vấn đề tại biên giới.

Một thanh niên Campuchia khá điển trai đón đoàn chúng tôi tại cửa khẩu và hướng dẫn thủ tục nhập cảnh, bước qua cánh cửa chật chội là tôi đã có cảm giác của một đất nước mới với những loại chữ loằng ngoằng đặc trưng, một chiếc xe buýt lớn màu cam rực rỡ đã chờ sẵn, chúng tôi nhanh chóng lên xe và bắt đầu chuyến hành trình vào nội địa của vương quốc Campuchia.

Ngay sát biên giới là một sòng bạc khá lớn, nơi mà người Việt Nam đi qua rất đông để đánh bài. Đa số những người Việt qua đây đánh bài đều là người TP.HCM hoặc là dân miền Tây. Họ cầm theo từ 500-1000 USD sang đây đổi phỉnh rồi chơi đủ các loại bài khác nhau như bầu cua, xì jack, quay loto, pigow, sập sám, blackjack, Poker, Baccarat, rồi cả các thể loại chơi bài bằng máy rất đa dạng. Nói chung ở Việt Nam nghiêm cấm việc chơi bài nhằm tránh các tệ nạn là đúng, bài bạc cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Đã biết bao nhiêu cảnh người tiến mất, tật mang, có cả những công tử nhà giàu, có cả audi riêng, thế mà qua đây chơi một thời gian mất sạch, gia đình cũng chẳng có đủ tiền chuộc phải ở lại luôn sòng bài làm nhân viên phát bài. Trong thủ đô PhnomPenh cũng có một sòng bạc khá lớn là sòng bài NagaWorld. Số lượng sòng bài ở Campuchia hiện nay tăng lên rất nhanh và trong đó có rất nhiều nhiều người chủ là người Viêt Nam liên kết với nước ngoài.

 

Xe chạy bon bon trong lãnh thổ Campuchia, 2 bên đường hiện ra cảnh làng mạc nghèo nàn, cây cối cũng thưa thớt, những ngôi nhà tranh đơn sơ, rồi cảnh những đồng ruộng khô cằn. Thỉnh thoảng lại hiện ra những ngôi chùa của người Campuchia, có những cánh cổng chùa ở ngoài mặt lộ và con đường dẫn vào dài hút hút trong đám ruộng lúa. Ở Campuchia 90% dân số theo đạo Phật và Phật Giáo ở đây là theo phát tiểu thừa (chứ không phải là đại thừa như ở Việt Nam). Người dân Campuchia rất sùng bái đạo Phật và hình như Thiên Chúa Giáo không thịnh hành lắm trên đất nước này.

Chạy được 1,5 giờ thì xe ngừng lại cho mọi người đi vệ sinh, tôi để ý thấy có những chiếc xe 12 chỗ chở kín người và hàng hóa. Người ngồi cả trên nóc xe giữa cái khí hậu nóng như thiêu đốt này, hàng hóa thì chất đến mức không thể nào nhồi nhét thêm được nữa. Nhiều chiếc xe lưu thông trên đường cũng không có bảng số. Nói chung tình trạng quản lý giao thông ở đây vẫn còn lỏng lẻo lắm. Cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn và giống cảnh Việt Nam hổi những năm đầu 1990.

Ngay cả chiếc xe Euro space chở chúng tôi cũng không có bảng số chính thức, chỉ có một tờ giấy giống như bảng số màu vàng dán trên kính sau của xe.

Chúng tôi bước vào một siêu thị nhỏ cạnh chỗ xe đậu và mua vài gói snack ăn cho đỡ buồn trên xe. Trong siêu thị toàn là hàng nhập khẩu từ Malay và Thailand, hầu như chẳng có gì là của Campuchia cả. Chứng tỏ ngành công nghiệp sản xuất bánh kẹo của Campuchia vẫn chưa phát triển lắm.

Xe lại lăn bánh và thêm 1.5 tiếng nữa, chúng tôi lại ngừng nghỉ 20 phút cho việc vệ sinh cá nhân. Tại trạm nghỉ này tôi lại vô cùng thú vị với cảnh mua bán tấp nập các loại côn trùng đã qua chế biến, chủ yếu là dế và nhện. Trước đây tôi đã từng ăn món dế ngào nước mắm ở nhà do mấy anh bạn người Tây Ninh chế biến và dùng làm món nhắm uống bia rất ngon. Để bắt côn trùng người ta chôn 2 cái cọc xuống đất song song nhau, sau đó bên trên treo một ngọn đèn neon sáng, ngay bên dưới họ căng một tấm bạt nilong, bên dưới tấm bạt là một chậu nước. Khi trời nhập nhoạng tối, côn trùng thấy ánh sáng là lao đến, chúng bị đập vào tấm bạt nilong và tuột xuống trúng ngay vào chậu nước bên dưới.

Chỉ cần 15 phút là bạn đã có một vốc côn trùng, chuẩn bị sẵn một tô đựng sẵn muối, đường và nước mắm, cứ con côn trùng nào rơi vào chậu nước là vớt lên vứt vào cái tô rồi đậy nắp lại, khoảng 5 phút sau thấy êm êm không thấy ai dãy dụa gì là biết mấy em bên trong cái tô đã “xong” rồi. Chuẩn bị 1 cái chảo nhỏ, cho ít dầu, nấu cho xôi lên rồi vớt côn trùng đã được tẩm gia vị cho vào chảo đảo qua đảo lại, nêm nếm tí chút đường và bột ngọt nữa là ok. Mấy anh em chỉ cần trải chiếu bên cạnh, khui sẵn mấy chai bia là có độ rồi.

Số lượng côn trùng ở Campuchia khá lớn, mỗi đêm như vậy người ta có thể bẫy được cả tấn công trùng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước láng giềng như Thailand. Ăn dế và nhền nhện đặc biệt có độ đạm rất cao, có thể thay thế cho cả thịt bò và cá nữa ấy chứ.

Trời đã xế chiều, tôi nhìn qua cửa kính xe và bắt đầu nhớ lại những cảnh trong phim cánh đồng chết (killing field) nói về thời diệt chủng của Kmer đỏ thật tàn khốc. Nếu năm 1979 mà quân đội Việt Nam không tiến sang giải phóng Campuchia thì không biết Polpot còn giết thêm mấy triệu người nữa. Bạn bè tôi cũng nhiều người là bộ đội tình nguyện thời chiến như anh Bảo, anh Dũng, cũng may mắn là họ còn sống sót trở về mà không bị thương tật gì. Trong xóm tôi có nhiều người bị thương tật vĩnh viễn, có người bị trúng mảnh đạn vào giữa mặt mã vẫn còn sống.

Người Khmer có chiếc khăn Krama rất đa năng, có thể dùng làm quấn cổ khi trời lạnh, có thể dùng làm nón đội đầu khi trời nắng, có thể làm thắt lưng, làm quần, làm đèo đựng con nhỏ, gói quà bánh và trong thời Polpot họ còn dùng khăn krama để nấu cơm nữa.

Tôi học thử một cách quấn khăn krama và cảm thấy thích thú với chiếc khăn này. Ở Việt Nam mình sau nhiều năm hòa nhập với người Khmer cũng có phong tục quấn khăn rằn ở những vùng đồng bằng Nam bộ. Tuy nhiên, cách trang trí và cách đeo khăn rằn cũng có điểm khác biệt. Cách quấn khăn krama cũng dễ và phù hợp cả khi trời nắng lẫn khi trời lạnh, tôi quấn và đi bộ thấy vô cùng thoải mái.

Chuyến hành trình dài vào đất nước Campuchia còn mang đến cho tôi nhiều cảm xúc mới lạ. Nếu có thời gian tôi sẽ tiếp tục viết nhiều hơn.

One thought on “Hành trình đến đất nước Angkor

  1. Phuong Nam says:

    Thiếu mất cái xà rông rùi Đông ơi? Thêm cái xà rông đỏ, chụp cạnh cây Thốt nốt nữa chứ? Cambodia ko có thốt nốt và xà rông, thì như IW ko có Excel và PPT vậy 😉

Trả lời